Đời sống đô thị

Thành phố Vinh: Tăng cường mảng xanh cho đô thị

21/3/2014

Trong những năm qua, nhận thức rõ tác dụng của cây xanh đối với môi trường sống, đặc biệt khi trở thành đô thị loại I, TP Vinh (tỉnh Nghệ An) đã quan tâm hơn đến việc phát triển cây xanh trên địa bàn. Điều này thể hiện thông qua con số kinh phí đầu tư cho công tác trồng, duy tu, chăm sóc mảng xanh đô thị tăng dần qua các năm, từ 4,2 tỷ đồng (2009) lên 6,2 tỷ đồng (năm 2010), 10 tỷ đồng (2011), 12,151 tỷ đồng (2012) và 12,64 tỷ đồng (2013).
 
 
 

Trên các tuyến đường phố, bên cạnh ý thức của người dân trồng cây xanh trước nhà mình để lấy bóng mát và che bụi, hệ thống cây xanh cũng được quan tâm trồng, đảm bảo sự che phủ tương đối. Một số tuyến đã quy hoạch trồng được một số cây hợp lý, thống nhất một chủng loại, như tuyến đại lộ Lê Nin với cây sao đen; tuyến đường Xô Viết, Trường Thi với cây dầu rái; vonga ở một số tuyến đường Quang Trung, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, đại lộ Lê Nin, Xô viết... Cùng với công viên Nguyễn Tất Thành, Quảng trường Hồ Chí Minh, công viên Trung tâm, TP cũng đã khôi phục lại các vườn hoa Cửa Nam, Cửa Bắc; phát triển hệ thống cây xanh khu vực lâm viên núi Quyết... Nhờ những nỗ lực đó, TP Vinh được đánh giá là 1 trong 5 TP trong cả nước có mật độ cây xanh lớn.

Bao quát động lực cho sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, hành chính, công nghiệp. Văn hóa giáo dục vẫn là tạo lập phong cách văn hóa đô thị. Ấy là kỷ cương, tình thương và trách nhiệm, trước hết là thái độ ứng xử trong hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ với môi trường. Đến thời điểm này, TP đã có hàng nghìn doanh nghiệp tại khu tập trung với quy mô vừa và lớn, chưa tính mới thành lập, đưa vào khai thác các khu công nghiệp nhỏ ở Đông Vĩnh, Hưng Lộc, Nghi Phú, Hưng Dũng, Lê Lợi, Vinh Tân. Đã có cảm giác các khu nội đô bị vây bủa bởi một vành đai tiềm ẩn ô nhiễm tiếng động, tiếng ồn, khói bụi, chất thải rắn, chất thải lỏng... Thiết bị, dây chuyền sản xuất công nghiệp tuy có tiến bộ, không gian hẹp, tự động và bán tự động nhưng vẫn là ''thứ hàng'' đã qua sử dụng, tái sử dụng. Bởi vậy chủ trương thân thiện với môi trường mà TP nêu rõ mục tiêu đạt 10m2 cây xanh mỗi người dân quả là sát thực, tạo được ý thức đồng thuận trong TP. Nhìn rộng ra các TP bạn mới thấy hết giá trị của chỉ tiêu mét vuông cây xanh. Đà Nẵng mới đạt 4,5m2/người, Cà Mau đạt 3,5m2/người, Hải Phòng 3,8m2/người, Hà Nội 3,2m2/người... trong khi toàn TP Vinh đã xấp xỉ 8,6m2 cây xanh/người. Các khu cây xanh lâm viên núi Quyết, vành đai rừng ngập mặn Hưng Hòa, Nghi Đức, Nghi Liên, Vinh Tân, Hưng Chính, Hưng Lộc đã như những lá phổi tự nhiên lắng dịu nhịp độ hối hả sản xuất công nghiệp, trả lại cho con người khoảng lặng bình yên, trong lành.

Song thực tế, diện tích đất dành cho vườn ươm để sản xuất cây xanh, cây cảnh hiện tại đang bị thu hẹp dần, từ 12ha ở khu vực cổng Thành và P.Hưng Phúc nay đã bị lấy chuyển sang mục đích khác như làm sân bóng cho đội bóng đá Sông Lam Nghệ An, làm trụ sở và sân bóng cho P.Hưng Phúc, nay chỉ còn 5,5ha.


Cây xanh trồng trên phố Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An.

Về độ che phủ của mảng xanh cho đô thị loại I được quy định đạt 12 - 15m2/người, nhưng thực tế đang đạt thấp. Mặt khác, theo Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định khi triển khai xây dựng chung cư, khu đô thị mới, chủ đầu tư phải đảm bảo 30% quỹ đất để trồng cây xanh, song thực tế tại các khu này tỷ lệ cây xanh đang rất khiêm tốn. Một mặt yêu cầu về cây xanh đối với đô thị loại I, đó còn là đảm bảo cảnh quan đẹp, văn minh, hiện đại. Thế nhưng cây xanh được trồng trên địa bàn TP đang mang tính hỗn tạp về cơ cấu cây trồng và chưa tạo sự hợp lý, thống nhất cho từng tuyến đường về từng loại cây phù hợp. Đó là xuất phát từ mục đích trước đây, TP mới chỉ tập trung ưu tiên trồng cây để lấy bóng mát và cây xanh được trồng vẫn dựa vào dân nên chưa có sự thống nhất.

Những khuôn viên trường học, bệnh viện, cơ quan và cây xanh dọc tuyến phố, khu dân cư đang thời kì khép tán cũng góp gió làm dịu đi nhịp sống công nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm sao chỉ tiêu 10m2 cây xanh không chỉ đạt trong năm 2013 mà ý thức, trách nhiêm của cộng đồng gắn kết máu thịt với thiên nhiên. Xem ra phải bắt đầu từ khâu quy hoạch, tổ chức thực hiện từ cơ quan, trường học, khu dân cư và quyết liệt nhất vẫn 4.000 doanh nghiệp đang giữa ranh giới; hiệu quả kinh doanh, sản phẩm công nghiệp với lợi ích an sinh của xã hội, gần hơn là cộng đồng dân cư. Cũng cần có chế tài quản lý cây xanh riêng cho chính quyền cấp phường, xã về xử phạt hoặc khen thưởng.

Cũng cần tổng kết những chương trình, dự án trồng cây xanh tập trung, phân tán cấp phường, xã, TP hàng năm và đưa hệ thống khu công nghiệp vào quản lý theo tiêu chí bắt buộc kể cả lúc duyệt đề án đầu tư và khi đưa công nghệ vào khai thác sử dụng lâu dài trên địa bàn TP. TP Vinh đã từng có bài học thành công về xã hội hóa đầu tư nâng cấp vỉa hè gắn với lợi ích không gian của từng khu dân cư, khu phố cụ thể hơn là từng hộ gia đình liền kề mặt phố.

Nên chăng, vấn đề trồng cây, chăm cây, bảo vệ cây hướng tới mục tiêu 10m2 cây xanh trong năm 2013 cũng thể chế trách nhiệm cụ thể và không thể không kiểm tra thái độ ứng xử với cây xanh trong không gian đang xanh, sẽ xanh mướt mát của TP chúng ta.

Trước thực trạng đó, để phát triển cây xanh đô thị, ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn lực trong nhân dân. Đặc biệt TP Vinh cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực cây xanh. Và để làm được điều đó, phải có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút vốn đầu tư; công khai quy hoạch và danh sách các danh mục kêu gọi đầu tư; xúc tiến đầu tư có hiệu quả; lồng ghép dự án công viên, cây xanh đô thị với dự án sinh lời khác. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý cây xanh đô thị trên các mặt trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh...

Một biện pháp cũng hết sức quan trọng đó là cần khuyến khích các hộ gia đình tích cực tham gia trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ và trồng cây xanh trước nhà, trên các tuyến phố đảm bảo theo quy hoạch và theo quy định về chủng loại cây được phê duyệt. Từ đó sẽ góp phần trong việc bảo vệ môi trường đảm bảo tiêu chí về cây xanh đô thị khi TP Vinh đã trở thành đô thị loại I và đang hướng tới Trung tâm Kinh tế - văn hóa xã hội của các tỉnh Bắc Trung bộ.

Quang Hợp

 

Xem thêm

  Mã BĐS :
  Loại BĐS :
  Phường / Xã :
  Hướng :
   Khoảng giá :

   Năm sinh   
   Giới tính   
   Hướng nhà